Biểu Đồ Chuyển Đổi (Public)
Cây Vấn Đề (Problem Tree) giúp truy căn nguyên của một vấn nạn, tiền đề để giải quyết vấn nạn tận gốc. Bằng không thì chỉ là đối phó tình huống, phản ứng tạm bợ.

Biểu Đồ Chuyển Đổi (Change Diagram) mô phỏng chuỗi chuyển đổi dây chuyền từ dưới lên trên khi căn nguyên được tác động từ ngoài. Nếu tác động đúng cách, vấn nạn sẽ dần dà được giải quyết, nghĩa là hiện trạng sẽ chuyển dịch dần đến tầm nhìn.

Trong biểu đồ chuyển đổi, mỗi nhân trong quan hệ nhân-quả của Cây Vấn Đề trở thành một yếu tố chuyển đổi -- khi căn nguyên được tác động, nó lại tác động dây chuyền lên yếu tố ở tầng trên nó. Nhân ở tầng dười trở thành yếu tố chuyển đổi cho quả ở tầng trên. Cứ vậy, ảnh hưởng dây chuyền cuối cùng sẽ tác động đến thân cây và làm thay đổi nó.

Trong hình minh hoạ dưới đây, bên trái là Cây Vấn Đề và bên phải là Biểu Đồ Chuyển Đổi tương ứng. Các nguyên nhân gốc được đánh dấu bằng ngôi sao mầu xanh dương. Các yếu tố chuyển đổi được thể hiện bằng hình tròn. Yếu tố chuyển đổi gốc cũng được đánh dấu bằng ngôi sao mầu xanh dương.

Hinh 8. Bai 8. Sự tương ứng giữa Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi 1

 Hình 1. Sự tương ứng giữa Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi

Nếu cùng lúc kích hoạt tất cả nguyên nhân gốc thì thân cây sẽ thay đổi nhanh hơn. Sự thay đổi này sẽ dịch chuyển thân cây từ điểm A là vấn nạn tiến dần đến điểm B là mục đích. Nghĩa là thực trạng của đối tượng phục vụ thay đổi dần cho đến khi vấn nạn không còn nữa và đối tượng phục vụ đạt tầm nhìn. Lý thuyết chuyển đổi (Change Theory) là tổng thể chuỗi tác động nhân-quả từ dưới lên trên. Nói cách khác, Biểu Đồ Chuyển Đổi thể hiện lý thuyết chuyển đổi để đi từ A đến B.
Kế hoạch tác động lên mỗi căn nguyên được gọi là “sách lược”. Tổng thể các sách lược để cùng lúc tác động lên tất cả các căn nguyên được gọi là “đại sách lược”.

Dưới đây là Biểu Đồ Chuyển Đổi tương ứng với Cây Vấn Đề của ví dụ về phụ nữ bị bạo hành ở Huyện ABC trong bài trước. Để thể hiện sự chuyển đổi, nội dung của yếu tố chuyển đổi phải thể hiện sự đổi thay bằng các từ “tăng”, “giảm”, “thêm”, “bớt”.

Hinh 9

Hình 2. Ví dụ về biểu đồ chuyển đổi

Thiết lập Biểu Đồ Chuyển Đổi

  • Khởi đầu với nửa dưới của Biểu Đồ Chuyển Đổi
  • Đề ra sách lược để tác động lên các căn nguyên
  • Thể hiện hướng chuyển đổi bằng các từ thể hiện hướng dịch chuyển như “tăng”, “giảm”, “thêm”, “bớt”

Sách lược có thể bao gồm các biện pháp can thiệp “tắt” lên những nguyên nhân không phải là căn nguyên hoặc ngăn chặn để hệ quả không tác động vòng lại lên nguyên nhân. Mặc dù chỉ có tác dụng tạm thời, những sự can thiệp ấy vẫn hữu ích, tựa như người bệnh dùng thuốc trấn thống để giảm đau nhức trong thời gian chữa bệnh tận căn.

Dưới đây là một ví dụ của sự can thiệp tạm thời ấy (xem các mũi tên màu cam).

Hinh 10

Hình 3. Ví dụ về biểu đồ chuyển đổi với các can thiệp “tắt”

Mục tiêu phúc lợi

Ở phần dưới của Biểu Đồ Chuyển Đổi, tương xứng với mỗi nguyên nhân là một yếu tố chuyển đổi; ở phần trên, tương xứng với mỗi hệ quả là một mục tiêu phúc lợi. Khi thân cây bắt đầu hồi phục, cành cây sẽ chuyển dần từ khô cằn, nứt nẻ sang xanh tươi, rồi đâm chồi nảy hoa.
Nhưng Biểu Đồ Chuyển Đổi mới chỉ là dự tính, chưa được thực hiện, sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đối tượng phục vụ chưa xảy ra, mới chỉ là dự phóng. Các dự phóng ấy được gọi là mục tiêu phúc lợi – phúc lợi cho đối tượng phục vụ. Dưới đây là một ví dụ về các mục tiêu phúc lợi.

Hình 11. Bai 7. Mục tiêu phúc lợi

Hình 4. Mục tiêu phúc lợi

Công dụng của biểu đồ chuyển đổi ​

Cây Vấn Đề là công cụ dùng để truy căn nguyên của một vấn đề mang tính hệ thống bằng chuỗi quan hệ nhân-quả từ gốc lên đến thân cây. Biểu Đồ Chuyển Đổi, triển khai từ Cây Vấn Đề, giúp người sử dụng đề ra sách lược để giải quyết vấn nạn.  

Một số nhận xét có thể rút ra từ Biểu Đồ Chuyển Đổi:

  • Phải có tác động từ ngoài thì mới có sự thay đổi.
  • Sự tác động ấy phải nhắm vào các căn nguyên, nghĩa là phải làm đúng việc.
  • Nếu tác động “đồng điệu” đến nhiều căn nguyên cùng lúc thì sự chuyển đổi sẽ nhanh hơn. Còn như tác động “lạc điệu” thì sẽ cản trở sự chuyển đổi, hoặc tạo sự chuyển đổi ngược chiều với mong muốn. Nếu làm nhưng không thấy sự thay đổi thì có nghĩa là đã và đang làm sai việc, phải dứt khoát đổi cách làm.
  • Việc dù tốt nhưng không nằm trong sách lược thì tuyệt đối không làm, để tránh hao phí thời gian và nguồn lực.

Lưu ý: Biểu Đồ Chuyển Đổi là một mô hình đơn giản hoá, chỉ tập trung vào những yếu tố chuyển đổi chính. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, quan hệ nhân-quả không chỉ theo một hướng mà có thể mang tính phản hồi (feedback). Chẳng hạn, khi thân cây thay đổi, các cành cây (hệ quả) cũng thay đổi theo. Sự thay đổi ở cành cây có thể vòng lại và tác động đến rễ cây. Người thiết kế Biểu Đồ Chuyển Đổi phải liên tục theo dõi, thẩm định để kịp thời điều chỉnh các chuỗi quan hệ nhân-quả nhằm phản ảnh sát với thực tế.

Thêm một ví dụ

Dưới đây là Biểu Đồ Chuyển Đổi tương ứng với Cây Vấn Đề về tình trạng của cư dân ở Tiểu Khu 179 được đề cập trong bài trước. Các sách lược gồm có:

  1. Hỗ trợ người dân dùng các biện pháp pháp lý để thúc đẩy nhà nước giải quyết tình trạng không giấy tờ tuỳ thân, không hộ khẩu, không chương trình hỗ trợ.
  2. Đào tạo một số thành viên của cộng đồng về khả năng ứng xử, đối phó, báo cáo, truyền thông…
  3. Lập liên minh nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế để huy động sự can thiệp của các toà đại sứ.

Hình 12. Bai 7. Biểu đồ chuyển đổi cho ví dụ về cộng đồng người Hmong ở Tiểu Khu 179

Hình 5. Biểu đồ chuyển đổi cho ví dụ về cộng đồng người Hmong ở Tiểu Khu 179

Đồng thời, đại sách lược còn bao gồm 2 biện pháp can thiệp “tắt”:

  1. Giới thiệu nhóm trẻ ở Hoa Kỳ hướng dẫn 10 học sinh trung học ở Tiểu Khu 179 về học vấn và chọn ngành nghề tương lai.
  2. Cử người kèm cho 5 cư dân đóng vai trò trung gian với các toà đại sứ.

Kết luận

Ai càng sử dụng rành rẽ Cây Vấn Đề và Biểu Đồ Chuyển Đổi thì càng tăng khả năng chọn đúng việc để giải quyết một vấn nạn. Có những người dân tộc thiểu số, các cô chú nông dân, những nhà tu hành đã có khả năng đề ra sách lược. Trong khi đó, có những người khoa bảng, những nhà trí thức, và những người dày dạn kinh nghiệm đấu tranh lại thường hành động tuỳ tiện, bâng quơ, hoặc đối phó tình huống, không có sách lược.

Khả năng đề ra sách lược không do “thông minh vốn sẵn tính trời” mà là do tập luyện, tập luyện và tập luyện.

Đọc Thêm